Từ vụ bé gái bị rắn cạp nia chui từ điều hòa ra c:ắn: Cách xử lý khi bị rắn cắn

   

Thông tin bé gái 7 tuổi ở Ninh Bình bị rắn cạp nia bò ra từ điều hòa cắn trọng thương khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Vậy nếu không may gặp phải trường hợp tương tự thì cần phải xử lý như thế nào và cách phòng tránh việc rắn ‘sinh sống’ trong điều hoà?

Rắn cạp nia nguy hiểm như thế nào?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia chống độc, TS.BS Nguyễn Lương Kỷ – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho hay, rắn cạp nia (tên gọi khác rắn mai gầm, rắn vòng vàng) là một trong những loài rắn cực độc ở Việt Nam, thường có màu đen với các khoang trắng hoặc vàng xen kẽ.

Từ vụ bé gái bị rắn cạp nia chui từ điều hòa ra cắn: Cách xử lý khi bị rắn cắn- Ảnh 1.

Bé gái 7 tuổi ở Ninh Bình được cấp cứu tại bệnh viện sau khi bị rắn chui từ điều hòa ra cắn. Ảnh: BVCC.

Loài rắn này chủ yếu hoạt động về đêm và thường không gây đau hay sưng tại chỗ cắn, vì vậy nhiều người dễ chủ quan. Tuy nhiên, nọc của rắn cạp nia rất nguy hiểm vì nó tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh.

Khi bị cắn, chất độc sẽ làm tê liệt các cơ trong cơ thể, đặc biệt là cơ điều khiển mắt, miệng, và cơ hô hấp. Nạn nhân có thể bị sụp mí, nói ngọng, thở yếu, thậm chí ngưng thở nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cách xử lý khi bị rắn cắn

Theo TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, khi bị rắn cắn, bất kể là rắn độc hay không độc, người dân nên xử trí theo các bước sau, để bảo vệ tính mạng và hạn chế biến chứng:

  • Giữ bình tĩnh. Không hoảng loạn, vì sợ hãi làm tim đập nhanh hơn, khiến độc lan nhanh hơn.
  • Bất động vùng bị cắn. Nếu bị cắn ở tay/chân, nên cố định như bó gãy xương, tránh cử động để làm chậm hấp thu nọc độc.
  • Có thể dùng nẹp gỗ, băng vải mềm.
  • Gọi người hỗ trợ và đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Nếu có thể, di chuyển nạn nhân bằng cáng hoặc xe, tránh đi bộ.
  • Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không dùng xà phòng, cồn, rượu vì có thể làm tổn thương mô thêm.
  • Ghi nhớ đặc điểm con rắn (nếu nhìn thấy). Nếu có thể, chụp ảnh con rắn để bác sĩ xác định loại và xử lý phù hợp. Không cố bắt rắn.
  • Nới lỏng quần áo, theo dõi nạn nhân trên đường đi cấp cứu. Chuẩn bị sẵn phương tiện thở oxy hoặc gọi cấp cứu nếu có dấu hiệu khó thở.

Từ vụ bé gái bị rắn cạp nia chui từ điều hòa ra cắn: Cách xử lý khi bị rắn cắn- Ảnh 2.Rắn chui vào điều hòa chủ yếu qua khe hở quanh đường ống đồng. Ảnh: NVCC.